CỘNG ĐỒNG CON NGƯỜI

 

CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI

 

349.Giữa mối hiệp nhất nơi các ngôi vị thần linh với tình huynh đệ mà con người phải thiết lập với nhau có một sự tương tự nào đó. (1890)

 

350.Con người cần sống trong xã hội để phát triển cho phù hợp với bản tính của mình. Có một số tổ chức, như gia đình và làng nước, trực tiếp am hợp với bản tính của con người hơn. (1891)

 

351.“Con người là và phải là nguyên lý, là chủ thể và là đối tượng của mọi tổ chức xã hội” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 25.1). (1892)

 

352.Phải khuyến khích việc tham dự rộng rãi vào các hiệp hội và các cơ chế được chọn cử. (1893)

 

353.Theo nguyên tắc có tính cách hỗ trợ, thì dù chính phủ hay bất cứ tổ chức cỡ lớn nào cũng không thể thay thế được sáng kiến cùng trách nhiệm của cá nhân và của các cơ cấu trung gian. (1894)

 

354.Xã hội phải cổ võ chứ không được cản trở việc thực thi đức hạnh. Việc thực thi đức hạnh phải được sinh động theo cấp trật giá trị chính đáng. (1895)

 

355.Cần phải kêu gọi hoán cải lòng trí và cầu ơn Thiên Chúa khi nào tội lỗi làm đồi bại bầu khí xã hội. Đức ái thúc đẩy thực hiện các việc canh tân chính đáng. Ngoài Phúc Âm ra không thể nào giải quyết được vấn nạn xã hội (xem Thông Điệp Bách Niên: 3, 5). (1896)

 

VIỆC DỰ PHẦN VÀO ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

 

356.“Mọi quyền bính đều do Thiên Chúa, và Ngài đã thiết lập các quyền hành này” (Thư gửi giáo đoàn Rôma 13:1). (1918)

 

357.Để tồn tại và phát triển, mọi cộng đồng con người đều phải có quyền bính. (1919)

 

358.“Cộng đồng chính trị và công quyền được bắt nguồn từ bản tính con người, bởi thế chúng thuộc về trật tự được Thiên Chúa thiết định” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 74.3). (1920)

359.Quyền bính được hành sử hợp pháp khi nó nhắm đến công ích của xã hội. Để đạt được điều này, nó phải sử dụng đến phương tiện luân lý thích đáng. (1921)

 

360.Tính cách đa dạng của các thể chế chính trị là hợp lý, nếu chúng đóng góp vào công ích của cộng đồng. (1922)

 

361.Quyền bính chính trị phải được hành sử trong giới hạn lãnh vực luân lý và phải tạo điều kiện cho việc hành sử tự do. (1923)

 

362.Công ích là những gì bao gồm “toàn thể các điều kiện xã hội giúp cho các nhóm hay các cá nhân đạt được mức viên trọn của mình hoàn toàn hơn và dễ dàng hơn” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng: 26.1). (1924)

 

363.Công ích gồm có ba yếu tố chính yếu, đó là việc tôn trọng và ủng hộ các quyền lợi căn bản của con người; mức thịnh vượng hay việc phát triển các lợi lộc của xã hội về tinh thần cũng như thể chất; nền hòa bình và an ninh của nhóm người cũng như của các phần tử nhóm. (1925)

 

364.Phẩm vị của con người bao hàm việc mưu cầu công ích. Mọi người phải quan tâm đến việc kiến tạo và nâng đỡ các tổ chức trong việc cải tiến điều kiện sống của con người. (1926)

 

365.Vai trò của chính phủ là để bảo vệ và đề cao công ích cho xã hội dân sự. Công ích của toàn thể gia đình nhân loại cần đến một tổ chức xã hội có tầm vóc quốc tế. (1927)

 

ĐỨC CÔNG BẰNG XÃ HỘI

 

366.Xã hội thực hiện việc bảo toàn đức công bình xã hội, ở chỗ tạo cơ hội cho các hội đoàn và cá nhân đạt được những gì xứng hợp với họ. (1943)

 

367.Việc tôn trọng con người là việc coi tha nhân như một “bản thân khác của mình”. Việc này đòi phải tôn trọng các quyền lợi căn bản phát xuất từ phẩm vị nội tại của con người. (1944)

 

368.Việc bình đẳng giữa con người liên hệ đến phẩm vị làm người và các quyền lợi làm người. (1945)

 

369.Những cái khác giữa con người với nhau là những gì thuộc về dự án của Thiên Chúa, Đấng muốn chúng ta cần phải có nhau. Những cái khác này phải khơi lên đức bác ái đối với nhau. (1946)

 

370.Phẩm vị bình đẳng giữa con người với nhau đòi phải nỗ lực để làm giảm thiểu mức chênh lệch qúa độ về kinh tế cũng như xã hội. Nó thôi thúc việc loại trừ đi mức chênh lệch có tính cách vi phạm. (1947)

 

371.Tình đoàn kết là một đức hạnh Kitô Giáo cao qúi. Nó thực hiện việc chia sẻ các lợi ích thiêng liêng hơn cả các lợi ích vật chất. (1948)